TIN TỨC – SỰ KIỆN

Áp lực công việc – cơ hội hay thách thức

Không có công việc nào là dễ dàng và nhẹ nhàng, không có đoạn đường nào trải đầy hoa hồng cả. Mỗi công việc, vị trí đều có những áp lực riêng của nó. Tuy nhiên nếu như bạn có thể vượt qua được những thử thách, đó chính là cơ hội của bạn. Vậy hàng ngàn câu hỏi đặt ra “làm như thế nào?”. Bạn hãy tham khảo bài viết để hiểu rõ hơn nhé!

Có thể bạn đang đối mặt với khối lượng công việc được giao quá tải so với năng lực tại thời điểm hiện tại, thời gian làm việc kéo dài và căng thẳng, cấp trên khắt khe, đòi hỏi, môi trường làm việc không phù hợp,… dẫn đến tình trạng bạn bị áp lực công việc.

Áp lực công việc là tình trạng mà dân văn phòng luôn gặp phải, nó khiến trạng thái sức khỏe và tinh thần của bạn cảm thấy lúc nào cũng khó khăn, mệt mỏi mỗi khi đối diện với công việc. Bạn không còn tìm thấy niềm đam mê hay sự thích thú với việc đang làm, thay vào đó là sự căng thẳng triền miên.

Vòng xoáy áp lực

Ngày nay, giới trẻ có vẻ đang bị nhấn chìm trong mớ hỗn độn, suốt ngày cứ phải lao đầu vào tìm cách giải quyết hay tối ưu hóa công việc, thậm chí còn người còn “ăn dầm nằm dề” với nó mà mãi vẫn cứ xoay vòng.

Khi bạn bị cuốn theo công việc với những deadline sát nút, bạn dường như không nhận ra mình đang “quá tải “khiến bạn kiệt sức, mà nếu bạn không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ và kết quả công việc. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến cả thể xác lẫn tinh thần của bạn ngay tại thời điểm đó với một mớ hội chứng như đau đầu, chán ăn, stress,…Khi đó trong đầu bạn chỉ tồn tại những suy nghĩ tiêu cực, mức độ sự việc bị nghiêm trọng hóa, cảm xúc dễ bị ảnh hưởng và chỉ chờ cơ hội bùng nổ chỉ vì một lý do nhỏ nhặt. Giống như giọt nước tràn ly, bạn không thể kiềm chế được cảm xúc của chính mình mà nổi nóng với đồng nghiệp hoặc buột miệng nói lời khó nghe với cấp trên.

Bên cạnh đó, bạn thấy nóng ruột khi áp lực ngày càng tăng mà tốc độ làm việc của bạn vẫn chậm chạp và hiệu suất công việc giảm sút. Bạn không chỉ làm bản thân mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng đến cả những người đồng nghiệp xung quanh và tất nhiên sẽ kéo theo đó là hiệu suất của một tập thể. Tệ hơn, bạn có thể đưa ra những quyết định sai lầm, thậm chí nghĩ đến cả việc xin nghỉ việc.

Bạn nên làm gì lúc này?

Quá trình làm việc thường là một vòng xoay giữa nhiều trạng thái: ổn định – khi chúng ta cảm thấy kiểm soát tốt tốc độ và khối lượng công việc, cao điểm – lúc chúng ta bị công việc khiến cho quá tải. Dù bạn có muốn hay không nhưng bạn vẫn phải tỉnh táo, tập trung và kiểm soát năng lượng để vượt qua “giai đoạn khó khăn” này.

Đầu tiên bạn cần đối diện với vấn đề của mình, trước bạn chọn hai từ “chối bỏ”, hãy hít thở thật sâu và phân tích bạn đang gặp khó khăn nào, tìm cách giải quyết cho từng sự việc. Hãy tự nhủ: RỒI MỌI CHUYỆN SẼ QUA ĐI, mọi chuyện tốt đẹp sẽ lại đến với mình và chỉ cần mình thôi không ngừng cố gắng.

Việc tiếp theo đó là tự lên được kế hoạch ưu tiên và kiểm soát mọi thứ trong tầm tay, sạc đầy pin cho mình như: đi ngủ sớm hơn, nghe những bài hát yêu thích, đi dạo nơi mình thích,…Có thể lúc này tâm trạng bạn sẽ được giải tỏa nhiều hơn và anh chàng “tích cực” sẽ theo đuổi bạn đấy và sẵn sàng để khởi động chạy lại công việc dang dở.
Lúc này bạn đừng ngần ngại chia sẻ thêm với đồng nghiệp hoặc những người thân thiết về vấn đề mà bạn đang gặp phải, bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên hữu ích, tiếp thêm động lực giúp bạn vượt qua. Chắc hẳn không một ai từ chối lời mời giúp đỡ này nếu như bạn thật tâm muốn làm nó.

Liệu áp lực có thể biến thành “cơ hội” không?

Đối mặt với áp lực công việc, bạn có thể muốn “bỏ chạy” khi thể chất và tinh thần bị hao tổn trầm trọng. Thế nhưng, nếu bạn đủ dũng cảm ở lại để “chiến đấu” và vượt qua áp lực công việc thì nó sẽ trở thành sức mạnh thúc đẩy bạn bứt phá và nhận ra năng lực của bản thân đấy.

Gian lao phải có hồi đáp, những gì bạn đã cố gắng, nỗ lực, cấp trên của bạn luôn dõi theo và ghi nhận xứng đáng. Khi bạn vượt ra khỏi những hỗn độn, bạn sẽ nhận ra khả năng của mình không chỉ dừng lại ở đó và có thể đã lên một tầm cao mới. Lúc này, đừng quên câu chuyện phải tối ưu ngay khi bạn đã có hướng đi rõ ràng, chắc chắn điều này sẽ còn mở ra một chân trời mới cho bạn đấy. Từ đó, Sếp có thể tin tưởng và giao thêm công việc mới cho bạn, sự nhận định của sếp về năng lực của bạn sẽ khác hay bạn sẽ xứng đáng hơn cho một mức lương mới và kể cả vị trí mới.

Đã từng có rất nhiều bạn với tư tưởng tìm một công việc an toàn vì cảm thấy điều đó là an toàn và ở mức bản thân cho phép, nhưng không, bạn hãy thử nghĩ một ngày nào đó bạn nhận một công việc có nhiều thử thách mới và bạn vượt qua nó thành công, bạn sẽ nhận lại được nhiều giá trị đấy. Không những giúp bạn vượt ngưỡng để hoàn thiện bản thân, trưởng thành mà còn giúp bạn tự tin với năng lực của chính mình hơn. ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI, hành động khác đi, để tạo ra kết quả khác đi trong công việc và cuộc sống.

Nếu như bạn thật sự muốn bứt phá những giới hạn của bản thân thì hãy tự trang bị cho mình những “vũ khí” lợi hại để sẵn sàng vượt qua áp lực công việc nhé!