TIN TỨC – SỰ KIỆN

Bí kíp làm chủ cảm xúc hiệu quả, không để lại hậu quả

Cảm xúc chi phối chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Nếu không biết làm chủ cảm xúc của mình, nó sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc hiện tại của bạn.

Vậy, làm sao để kiểm soát cảm xúc của bản thân trong mọi trường hợp? Hãy xem bài viết dưới đây, DNG mách bạn 4 kí kíp giúp bạn làm chủ cảm xúc vô cùng hiệu quả đó nhé!

1. Điều chỉnh trạng thái cơ thể

Đầu tiên, bạn hãy cố gắng điều chỉnh trạng thái cơ thể. Cơ thể chính là nguồn gốc của cảm xúc, nếu cơ thể ở trạng thái tích cực thì bạn cũng sẽ có những cảm xúc tích cực, ngược lại khi cơ thể ở trạng thái tiêu cực, cảm xúc cũng sẽ tương tự vậy.

Khi bạn tức giận, cơ thể bạn sẽ có nhiều biến đổi như tim đập nhanh, máu dồn lên mặt khiến người bạn nóng bừng, lúc này bạn sẽ có xu hướng tìm chỗ trút giận nếu không điều chỉnh kịp thời thì có thể gây ra những sai lầm đáng tiếc. Giải pháp đưa ra lúc này là bạn cần phải điều chỉnh cơ thể ngay lập tức, đưa cơ thể về trạng thái bình thường bằng cách thả lỏng người, uống nước, hít thở thật sâu và đều trong 5s, tưởng tượng rằng bạn đang tống căng thẳng tức giận ra ngoài.

2. Viết ra giấy những điều tốt đẹp

Thay vì nổi giận với một ai đó, hãy bình tâm lại, cố gắng tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh lại và viết ra những điều tốt đẹp người đó làm cho bạn. Hãy tìm ra những lý do mà bạn biết ơn người đó. Đánh giá lỗi lầm một cách khách quan là cách đối xử công bằng với họ và với cả bản thân chúng ta.

3. Nghĩ đến trách nhiệm bản thân

Khi gặp rắc rối, bạn thường tìm cách quy trách nhiệm cho người khác, từ ngữ đầu tiên trong tâm trạng bực tức, khó chịu với ai đó thường là: “Tại anh/chị…”. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến trách nhiệm của bản thân thì bạn sẽ tập trung để tìm giải pháp hơn là phàn nàn và đổ lỗi cho người khác. Hãy nghĩ tới: “Trong chuyện này, mình cũng có trách nhiệm, mình nên làm như thế này mới đúng… mình cần giúp đỡ mọi người…”.

4. Học cách nhìn nhận lại và nói cảm ơn

Bạn hãy nhìn lại lý do khiến bạn tức giận và thử nghĩ xem khi sự tức giận lên đến tột đỉnh nó có thể gây ra những hậu quả gì. Khi bạn đặt được những câu hỏi cho bản thân sự giận dữ sẽ giảm xuống, tránh được những hành động không hay và hãy nói lời cảm ơn.

Những giải pháp nêu trên tưởng chừng rất đơn giản, nói thì dễ nhưng khi chính ta gặp phải điều gì bực bội không theo ý muốn thì cũng không dễ dàng mà có thể hành động như ta nghĩ được, vì vậy ta cần phải có thời gian rèn luyện kỹ năng làm chủ cảm xúc trong mọi tình huống, hãy cố gắng tập hàng ngày, sau một thời gian bạn sẽ thấy cảm xúc bạn được ổn định rõ rệt đấy.