Làm việc ngoài giờ – nên hay không ???
Có nên “tận dụng” thời gian ngoài giờ để hoàn thiện công việc đang chất đống? Sắp xếp thời gian thế nào để còn tìm “crush” hay xử lý thế nào để biến mớ công việc hỗn độn trở nên gọn gàng trông mắt “sếp”?
Công việc của bạn đang quá tải và bạn phải mang công việc về làm.Với bạn đó là một điều tệ hại? Bạn quá áp lực với chúng? Bạn đang cố gắng để chứng tỏ năng lực của mình với cấp trên, mong muốn làm hết tất cả các công việc được sếp giao cho hay bạn đang cảm thấy vô cùng bất mãn với khối công việc tưởng chừng có thể chất thành núi và sẵn sàng từ bỏ chúng bất cứ lúc nào?
Giới trẻ ngày nay, sau khi các bạn tốt nghiệp và cầm trên tay tấm bằng mà các bạn cho là giá trị thế nhưng các bạn lại có xu hướng rất ngại việc làm thêm giờ. Với các bạn, thời gian cho một công việc văn phòng ngày làm 8 tiếng, hà cớ gì lại phải làm thêm giờ. Quan niệm đó vẫn đang ngắm ngầm ngày một, thực tế là một sự bóc lột đến từ người sử dụng lao động. Tuy nhiên, các bạn lại không tách bạch được giữa “thêm giờ” và “thêm việc”.
Thêm giờ và thêm việc khác nhau như nào?
Đơn giản một ngày lên công ty, xử lý một khối công việc đã lên từ ngày hôm trước nhưng bạn không xử lý hết và buộc bạn phải ở lại để thanh lý, việc này gọi là thêm giờ. Và cũng ngày hôm đó, thời gian và không gian sập đến khi nhận được tin nhắn từ Sếp “Gửi báo cáo cho anh trước 7h tối nay nhé”, đây là thêm việc. Trên thực tế thì thêm việc không hẳn diễn ra liên tục, đa phần do chúng ta không chạy kịp tử thần “deadline” trong ngày dẫn đến việc cuối ngày còn ngồi lại “tăng ca”. Nói vậy không có nghĩa chúng ta về đúng giờ, giải quyết công việc kịp thời thậm chí là về sớm được xem là không yêu nghề, yêu sếp, yêu đồng đội.
Vậy có nên làm thêm giờ hay không?
Trên thực tế thì việc làm thêm giờ hay không cũng không quá quan trọng. Các cấp lãnh đạo, họ chỉ đánh giá bạn qua hiệu quả công việc và sự tiến bộ mỗi ngày. Đương nhiên, khi chưa có quá nhiều sự trải nghiệm để có thể sắp xếp lượng công việc một cách tối ưu nhất thì việc làm thêm giờ để hoàn thành công việc được giao cũng là điều tất yếu.
Làm sao để hạn chế việc làm thêm giờ?
Thực tế thì việc công ty thì làm sao mà hết được cơ chứ? Việc này chưa dứt, việc khác đã phát sinh và có những việc kéo dài triền miên, lặp lại mỗi ngày, suốt tháng và có khi quanh năm.
Thực ra, “việc” phải được hiểu là những việc đã được đưa vào kế hoạch thực hiện trong ngày/tuần/tháng/năm. Trước khi đưa vào kế hoạch, bạn phải hiểu rõ mục đích chúng ta hướng đến để có động lực làm được chúng và mục tiêu chính là cái tối thiểu cần chúng ta phải phân tích, đánh giá mức độ quan trọng, tính khẩn cấp, thời lượng cần thiết và thứ tự ưu tiên để hoàn thành công việc.
Và vấn đề “làm hết việc” chỉ có ý nghĩa khi bản kế hoạch công việc được lập ra một cách cẩn trọng, dựa trên cơ sở phân tích công việc một cách rõ ràng với những yêu cầu hoàn thành hết sức cụ thể, được cấp trên hoặc các bên liên quan chấp thuận.
Bạn cảm thấy hài lòng khi núi công việc tự dưng không còn cao vời vợi nữa, không phải vì mình sẽ được thưởng, mà vì mình đã làm đúng năng lực, đúng với sự kỳ vọng của bản thân và một điều ắt hẳn đó là con đường công danh sự nghiệp, bước thăng trầm cho sau này. Điều này dễ dàng thấy rõ qua mỗi ngày đi làm là một niềm vui, không còn sợ hãi khi việc trên trời rơi xuống mà còn là một sự đóng góp cho công ty, cho những người khách hàng và cả những đội nhóm, tất nhiên không thể không nhắc đến “chính mình”.
Cũng đừng hiểu lầm, “làm hết việc” là sẽ vất vả hơn làm hết giờ. Chính ý thức “làm hết việc” sẽ giúp chúng ta thiết lập thời gian, cân nhắc những việc quan trọng phải làm và loại bỏ bớt những việc không tên, chưa thực sự cần thiết để lượng công việc của chúng ta giảm cân thần tốc trở nên vô cùng thon gọn . Làm hết việc hôm nay sẽ tạo sự nhẹ nhàng hơn cho ngày mai. Và dù ngày mai cũng có những việc phải làm, thì “làm hết việc” mỗi ngày sẽ tạo ra sự hưng phấn, thích thú trong công việc.
Cũng không loại trừ, làm hết việc “công khai và sạch sẽ” mà chưa hết giờ, bạn xin phép về sớm một chút để lo việc riêng vẫn sẽ giúp bản thân cảm thấy thoải mái, thư giãn mà không phải lo ngại về “ngày mai” của mình.
Và khi bạn biết sắp xếp công việc của mình một cách hợp lý thì hà cớ chi phải suy nghĩ về việc “làm việc ngoài giờ hay trong giờ làm”, tất cả đều chỉ là những cơn gió thoảng thổi mát cho chúng ta tiếp tục chiến đấu.
Ngoài thời gian riêng, có nên dành góc nhỏ cho công việc ngoài giờ?
Tất nhiên, một khi công việc đã hoàn thành, chúng ta đã phần nào nhẹ nhõm và tự tin về chúng, nhưng cũng đừng quên dành thời gian để kiểm tra lại và đánh giá hiệu quả theo thời gian, lên kế hoạch cho việc tối ưu hoặc nghĩ ra những hướng đi mới hơn. Chẳng có một người “Sếp” nào chỉ làm việc 8 giờ/ngày và chỉ hoàn thành hết những công việc đang xảy ra. Nếu như bạn đã hoặc đang hài lòng với chức danh “nhân viên” và mức lương bạn đang được nhận thì cứ an nhàn với khối lượng công việc được giao. Chưa kể đến việc xã hội ngày nay đang không ngừng tiến bộ, việc bạn đứng yên đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận bị bỏ lại phía sau.
Hãy xem công việc như một niềm vui, mỗi ngày đi làm là một trải nghiệm mới và tiếp thu được những điều mới mẻ, đừng quá áp lực cũng đừng quá hời hợt với nó.